Ông: Đoàn Văn Phúc (bên trái) trao lại bức di ảnh cho gia đình Liệt sĩ
Lặn lội từ Thành phố Hồ Chí Minh xa xôi về với mảnh đất Quảng Nam đầy nắng gió – một thời là chiến trường ác liệt mà ông đã tham gia chiến đấu. Ông giới thiệu mình là Đoàn Văn Phúc, quê quán ở Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, hiện nay đang sống tại thành phố Hồ Chí Minh. Năm 1969, khi vừa 18 tuổi, ông hăng hái lên đường vào Nam theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, đơn vị đầu tiên ông đóng quân thuộc Tiểu đoàn 74 pháo binh – Tỉnh đội Quảng Nam. Tháng 4/1972, đơn vị ông chiến đấu tại vùng đất xã Bình Dương, huyện Thăng Bình. Trong một trận càn, ông bị thương và được đội du kích cứu sống. Trong thời gian đó, tình đồng chí kịp nở hoa trong bom đạn, các nữ du kích đã tặng cho ông những tấm hình lưu niệm, trong đó có cô gái tên Trần Thị Mường. Hồi phục sau một tuần được cứu chữa, ông trở về đơn vị cũ, đó cũng là lúc ông nhận tin các nữ du kích đã hy sinh trong trận thả bom tại thôn 4 – xã Bình Dương.
Sau năm 1972, ông tiếp tục tham gia chiến đấu và công tác ở nhiều đơn vị trên khắp cả nước, bức ảnh của cô gái năm xưa vẫn được ông trân trọng cất giữ bên mình.
Năm 2005, ông trở về Quảng Nam nhân kỷ niệm 30 năm Ngày Giải phóng tỉnh Quảng Nam, chuyến đi này ông đã về lại đất Thăng Bình tìm đến thăm mộ người con gái năm xưa, tiếc là thời gian đó tấm hình bị thất lạc và ông không thể mang được về với gia đình đồng đội. Nỗi trăn trở vẫn rất lớn trong ông, khi gia đình không có bất kỳ bức ảnh nào của đồng đội để tưởng nhớ.
Bẵn đi một thời gian dài, cũng có thể bằng một cơ duyên nào đó, bức ảnh bất ngờ được ông tìm thấy trong cuốn sổ cũ. Vội vàng, ông mang ngay ra tiệm nhờ phục chế thành tấm chân dung lớn, và tiếp tục cuộc hành trình còn đang dang dở…
Càng thêm ý nghĩa hơn, trong những ngày thu lịch sử này, cả nước chào mừng kỷ niệm 78 năm Ngày Quốc khánh của dân tộc, di nguyện cả đời của ông đã thực hiện được đó là đưa đồng đội của mình về lại quê hương, về lại nơi chôn nhau cắt rốn. Nhìn ông trao tận tay tấm di ảnh cho người thân Liệt sĩ Trần Thị Mường, chúng tôi lặng người xúc động, năm mươi mốt năm dài đằng đẵng, vậy là người chiến sĩ cách mạng ấy đã được về trong vòng tay của gia đình, càng thắm đượm thêm tình đồng chí đồng đội thiêng liêng, cao quý mà không có gì đong đếm được. Cuộc hành trình ấy thật sự quá trọn vẹn, cho cả người còn sống và người đã mãi mãi ra đi. Để hôm nay, thế hệ chúng ta càng trân trọng hơn những hy sinh, mất mát, những cuộc chia ly tưởng chừng là mãi mãi của bao thế hệ cha anh đi trước, vì nền độc lập của ngày hôm nay. Thế hệ mai sau, mãi khắc ghi công ơn của các anh hùng liệt sĩ, những người đã mãi mãi nằm lại nơi đất mẹ, chúng ta mãi tự hào về lịch sử của dân tộc, lấy đó làm động lực phấn đấu góp phần cho sự phát triển của đất nước ngày hôm nay.