Nhớ ngày nhỏ, mỗi dịp Trung thu về, ba thường hay làm cho tôi cái lồng đèn ngôi sao bằng tre, dán bằng thứ giấy gương nhiều màu sắc được tận dụng từ vỏ gói bánh in, bên trong có một cây đèn cày được thắp sáng…vật liệu rất đỗi đơn sơ nhưng qua bàn tay khéo léo của ba, tôi đã có được một chiếc đèn lồng rất ưng ý, tha hồ khoe khắp xóm.
Tụi con trai thì mải mê với đoàn lân của mình, gọi là “đoàn lân” cho hoành tráng, chứ thật ra tôi cũng lấy làm mắc cười với chúng. Đầu lân được các nhà thiết kế tài ba lên ý tưởng cắt, vẽ trang trí trên nền những tấm giấy các tông, hoặc giấy trắng được các cu cậu lén lút lấy ra từ mấy cuốn tập, có anh bị mẹ phát hiện là coi như no đòn…Thường thì một đội lân như vậy từ 3 đến 5 người, anh thì lo làm đầu lân, anh thì lo làm đuôi lân, mỗi người một việc, trông rất bận rộn…Tấm chăn cũ được tận dụng để làm đuôi lân, có đội khấm khá hơn thì đầu tư hẳn một tấm vải lớn mua từ tiệm may, rồi trang trí các loại dây ni lông nhiều màu sắc vô cùng bắt mắt. Trống thì được tận dụng từ những cái can nhựa không mấy lành lặn, âm thanh phát ra nghe chói cả tai, ấy vậy mà không khí Trung thu lại rất đỗi rộn ràng. Tối tối, lũ con gái hò reo, chạy theo các đoàn lân của mấy cậu con trai đi khắp xóm, khắp làng. Đêm hội trăng rằm cũng hết sức đặc biệt, dưới ánh điện yếu ớt phát ra từ ngôi trường làng nhỏ bé, chúng tôi xếp thành hàng ngay ngắn để chuẩn bị nhận quà và sinh hoạt văn nghệ rất vui. Đối với một vùng quê còn nghèo khi ấy, thì đó thật sự là một niềm hạnh phúc vô bờ đối với chúng tôi.
Ngày nay, khi xã hội càng phát triển hiện đại, con người bị cuốn theo vòng xoáy của những bận rộn, nhịp sống hối hả khiến người ta dần quên đi những giá trị truyền thống, Tết Trung thu cũng dần được hiện đại hóa, những con lân đầy màu sắc với nhiều kiểu dáng độc đáo, giá tiền không hề rẻ, có con lên đến hàng chục triệu đồng dần được thay thế, giàn giáo được đầu tư để phô diễn các bài múa chuyên nghiệp, điêu luyện, phụ họa thêm những màn phun lửa rất công phu, hoành tráng. Các em nhỏ được cha mẹ mua cho những chiếc đèn lồng đủ màu sắc, đủ hình dáng với những thiết kế hiện đại, có nhạc vui tai, có ánh sáng nhấp nháy…
Ảnh: Một đội lân được đầu tư quy mô, chuyên nghiệp
Vẫn biết là hiện đại, là hội nhập và phát triển, nhưng đâu đó tôi vẫn thấy cay cay khi bất chợt nhớ về hình ảnh người cha cặm cụi vót tre, làm đèn lồng cho con, hình ảnh những cu cậu hăng say với những con lân bằng giấy các tông được nâng niu, chăm chút. Những hình ảnh đó sẽ khó tìm lại được trong xã hội ngày nay, nhưng chắc chắn những giá trị truyền thống là mãi trường tồn. Để rồi mỗi mùa Trung thu về, thế hệ chúng tôi lại nhắc nhớ về một thời khó khăn, thiếu thốn mà quý giá vô cùng, để càng trân trọng hơn những tiện nghi, những hạnh phúc và phát triển của hôm nay.